Mở lối vào thị trường Mỹ

Một cánh cửa mới vào thị trường Mỹ được mở ra.

Kể từ khi hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ và thực hiện Hiệp định thương mại song phương, giao thương hai nước năm 2010 đạt giá trị hơn 18 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Mỹ 15 tỉ USD. Đó là một thắng lợi lớn nhưng với cách làm như hiện nay, chúng ta càng xuất khẩu, càng thiệt hại

Vì sao vậy ?

Chúng tôi đã có dịp khảo sát thị trường Mỹ tại Washington D.C và New York: Tràn ngập hàng hóa Trung Quốc, từ quần áo giầy dép, kính đeo mắt, đồ nữ trang đến hàng điện tử. Vào cửa hàng đồ cũ, cửa hàng lưu niệm, lại cũng là Trung Quốc !

Thi thoảng, mới gặp một vài sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, kém hơn cả Philipines, Indonesia và thậm chí gần đây cả Cambodia. Một số hàng Việt Nam “thứ thiệt” lại phải đội tên nước khác. Ở Hà Nội mua một áo lót nam dệt kim (may – ô) 30.000 – 50.000 đồng còn băn khoăn xem có chỗ nào mua rẻ hơn không, còn ở Mỹ, một áo may – ô dệt kim Việt Nam, sau khi giảm giá, bán tới 16,5 USD, tương đương 350.000 đồng. Tất nhiên đó là hàng GAP, tiêu chuẩn Mỹ, nhưng dù sao thì phần lợi nhuận khá lớn ấy, đã không rơi vào tay người thợ dệt Việt Nam

Nguồn tư liệu của Bộ Thương mại Mỹ (Ago Monitor, Shrimpsnews, US Dept of Commerce) cho biết: Giá tôm từ Việt Nam là 7,7 USD/kg, được bán lại ở Mỹ từ các nhà môi giới là 12,78USD/kg. Giá bán sỉ tại nhà kho Costco là 13,88 USD/kg, còn bán tại các siêu thị như Safeway, Giant, Shoppers là 17,18 USD. Chưa kể giá mua từ nhà sản xuất tại Việt Nam; giá mua của người tiêu dùng Mỹ với giá bán của các nhà buôn Việt Nam chênh tới 10 USD/kg. Trừ các khoản dịch vụ, chí ít, mỗi kg tôm cũng mất tới 5 USD, tức 100 nghìn đồng. Năm 2009, Việt Nam xuất 1,6 tỉ USD sang Mỹ, nếu có công ty Việt Nam tại Mỹ, không qua môi giới, đã có thể thu thêm 600-800 triệu USD

Một ví dụ khác là dệt may. Trong 3 tháng đầu năm 2010, VN xuất được 2,16 tỉ USD, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước; cả năm đạt khoảng 10,5 tỉ USD, cũng mất đi khoảng 30-40%

Càng xuất nhiều, càng mất vào khâu trung gian. Theo tính toán của HeMemics Proprietary Business Development Model, theo cung cách hiện nay, tức là buôn bán qua các nhà môi giới Mỹ, thì chúng ta sẽ mất (hoặc không thu được ) một lượng tiền khổng lồ trong 5 năm từ năm 2011 đến 2015 là 81,9 tỉ USD, gần tương đương với GDP cả nước trong một năm hiện nay, cụ thể:


Người ta nói: không có gì thuyết phục hơn những con số, thì đây chính là những con số ! 
Làm thế nào để không mất số tiền khổng lồ đó ?

Không một người Việt Nam yêu nước nào lại không xót tiền khi thấy mất số tiền khổng lồ đó, trong khi người lao động còn làm việc cực nhọc trong những điều kiện khó khăn, trong khi con em họ đi học chưa đủ tiền đóng cho nhà trường; trong khi họ ốm đau chưa đủ tiền vào bệnh viện. Có thể họ chết trong nghèo túng mà không biết vì sao mình làm việc quần quật như vậy mà vẫn nghèo

Hiệp Hội của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, đứng đầu là TS David Ho, tức Hồ Huy, một người gốc Huế, một nhà khoa học, một doanh nhân thành đạt hiện sống tại bang Virginia, bên cạnh Washington D.C đã không cam lòng trước sự mất mát quá lớn đó của người Việt Nam. Là tập hợp nhiều doanh nhân thành đạt, có khát vọng được đóng góp cho đất nước, Hiệp Hội thuộc Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã có sáng kiến thành lập Trung tâm Thương mại Việt Nam (VBC) đặt ngay trong lòng nước Mỹ – đó là TP Baltimore, bang Maryland, làm một nhịp cầu bắc thẳng vào thị trường Mỹ cho các nhà doanh nghiệp Việt Nam

Vì sao lại chọn Baltimore và Maryland ?

Maryland là một bang thuộc vùng đông bắc thịnh vượng của Hoa Kỳ, có diện tích 32.160 km2, dân số hơn 5 triệu người, nơi có nền văn hóa, giáo dục phát triển, có Đại học Maryland (University of Maryland) nổi tiếng. Từ Maryland ” chỉ một bước là đến Washington D.C”; những người được đào tạo từ Học viện Hành chính công của trường này, “chỉ một bước là đến Nhà trắng”. Cách nói hình ảnh ấy cho thấy hoạt động ở bang Maryland rất có điều kiện tiếp cận nhanh với các chính sách, các nhân vật quan trọng của Chính phủ Hoa Kỳ

Bang Maryland là bang đầu tiên của Hoa Kỳ có Văn phòng Thương mại tại Việt Nam (TP Hồ Chí Minh, 2009). Do có quan hệ chặt chẽ và tốt đẹp với những doanh nhân gốc Việt, chính quyền bang đã cam kết sẽ hỗ trợ tối đa về pháp luật, thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa và miễn giảm thuế, tạo điều kiện cư trú thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đặt văn phòng đại diện, mở công ty tại Maryland

Thủ phủ của Maryland là Annapolis, một thành phố cổ, thành phố du lịch. Nhưng thành phố lớn nhất bang lại là Balimore, kể cả ngoại vi có tới 2,6 triệu người. Đó là thành phố cảng , một trung tâm kinh tế của Maryland và của cả Hoa Kỳ

Cảng Baltimore ra đời vào năm 1706 với tên gọi Whetstone Point (Mũi Đá). Hai mươi năm sau, vùng đất này mới có tên gọi là Baltimore. Baltimore thoạt đầu là một cảng chính để xuất khẩu thuốc lá sang Anh quốc và từ đó sang các nước châu Âu khác – theo đường Đại Tây Dương. Một thượng nghị sĩ Mỹ mà tôi gặp, đã đùa rằng : Thổ dân châu Mỹ đem đến thuốc lá cho người châu Âu, còn người châu Âu lại đem rượu đến cho châu Mỹ, cứ thế suốt mấy trăm năm nay, không biết ai đang “tiêu diệt” ai !


Thành phố cảng Baltimore, nơi đặt trụ sở VBC 
Từ 300 năm trước, Baltimore đã là trung tâm dệt may, chế biến thược phẩm (bột mỳ) và nhất là cơ khí. Tầu hỏa Mỹ có mặt và phát triển sớm nhất ở đây, hiện đang có một bảo tàng xe lửa nổi tiếng và ngày hội xe lửa thường niên. Vào đầu thế kỷ 19, Baltimore là thành phố lớn thứ ba của Mỹ. Đầu thế kỷ 20, Baltimore là hải cảng lớn thứ hai của Mỹ về thương mại. Hiện nay,thành phố đứng thứ 8 ở Hoa Kỳ, thương cảng Baltimore vẫn rất sầm uất, có doanh thu 2 tỷ USD mỗi năm và sử dụng 16.500 lao động địa phương

Một trong những người chiếm hữu bất động sản lớn nhất ở thành phố Baltimore là ông Trần Đình La, em ruột Trần Đình Trường, thuộc tập đoàn TranGroup, người đóng thuế tới 23% cho thành phố này

Trần Đình Trường sinh năm 1932 tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Một dạo, ông là chủ hãng vận tải biển có đội tầu lớn nhất ở Miền Nam như các tầu Trường Xuân, Trường Thanh, Bông Hồng 9, Sao Mai, Trường Vinh, Trường Hải, Trường Sinh, Patrick… Sang Mỹ, ông chuyển sang kinh doanh khách sạn, mua được các khách sạn Opera, Carter gần Quảng trường Thời đại của New York và nhiều khách sạn khác trong khắp nước Mỹ

Mong muốn của tập đoàn này là có được thương hiệu khách sạn của người Việt ngang tầm với những khách sạn lớn khác và thương hiệu ấy phải nổi tiếng toàn cầu

Sự giàu có của tập đoàn này đã được nhìn nhận. La Trần nói: Tiền bạc bây giờ chỉ có ý nghĩa đánh dấu sự thành công. Nhường khu đất lớn để xây dựng Trung tâm thương mại Việt Nam với ông là Non profits (phi lợi nhuận), là nguyện vọng được góp phần mình cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, cho Motherland-đất nước quê hương

Doanh nghiệp Việt Nam có lợi gì khi đặt Văn phòng tại Mỹ qua VBC ?

Trung tâm thương mại Việt Nam ở Hoa Kỳ (Việt Nam Business Centrer), gọi tắt là VBC là tòa nhà hiện đại nằm giữa trung tâm thành phố Baltimore, có diện tích 15 nghìn m2, được thiết kế chuyên dụng cho việc làm ăn, buôn bán. Tầng dưới là các gian trưng bày sản phẩm, các tầng trên là các phòng làm việc liền với các căn hộ nhỏ đầy đủ tiện nghi

Ai cũng biết giá khách sạn, giá thuê nhà ở Mỹ là rất đắt đỏ (cỡ xoàng đến trung bình khá là từ 100-300USD/phòng/ngày đêm). Nhưng còn đắt hơn là giá các dịch vụ khác như tư vấn pháp luật, khám chữa bệnh…Chắc chắn, nếu tự thân vận động, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng chân và trụ được lâu dài ở Mỹ

Vậy, khi thông qua (VABC) các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được lợi gì? Được lợi những việc sau đây:

1 – Được giảm tối đa phí thuê văn phòng và chỗ ở

2 – Được hỗ trợ về pháp lý, đăng ký công ty

3 – Được hỗ trợ kế toán và luật thuế Hoa Kỳ

4 – Được cung cấp các dịch vụ đào tạo, tổ chức hội nghị, hội thảo

5 – Được giúp xúc tiến thương mại với các công ty Hoa Kỳ

6 – Được giúp kho bãi để chứa hàng hóa

7 – Có thể được trở thành một công ty Mỹ, một thành viên của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ, và do vậy sẽ được hõ trợ, bảo vệ về nhiều mặt, ví như được truy cập vào cở sở dữ liệu kinh doanh của Chính phủ, được hỗ trợ về tài chính, được nhập khẩu như các công ty Mỹ…

Thành phố Baltimore và bang Maryland cũng giành cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước khác những ưu đãi trong Khu thương mại tự do (FTZ#74) với hàng tỷ giá trị đô la hàng hóa. Ở đó, được hoãn, giảm, thậm chí loại bỏ thủ tục hải quan đối với các sản phẩm nhập vào khu vực này; không phải nộp thuế, phí lưu kho; hàng hóa hỏng không bị phạt, sẽ được giúp làm giấy tờ để vận chuyển, lưu thông trên đất Mỹ. Các doanh nghiệp đủ điều kiện đóng trong thành phố Baltimore có thể được có đến 5 triệu USD trong khoản tín dụng thuế (gần như khoản bao cấp cho thuế Nhà nước, thuế thu nhập, phí bảo hiểm. Đó là doanh nghiệp, còn nhân viên được 6000 USD tín dụng thuế trong 3 năm

Bang Maryland còn có thể cấp đến 25.000 USD cho việc đào tạo các kỹ năng của nhân viên của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty trong ngành công nghiệp tăng trưởng cao

Các quy trình, chi phí, chi tiết được cụ thể hóa theo bảng biểu dưới đây:

 

Tất nhiên sẽ có chi phí khác mà công ty sẽ phải chịu trách nhiệm chẳng hạn như tiền lương, bảo hiểm, đi lại cho nhân viên. Nhưng với chi phí khoảng từ $25.000 – $35.000/năm, cùng với sự hỗ trợ tình nguyện của các thành viên VABC, đây là chi phí thấp nhất mà VABC có thể làm được để giúp cho các công ty Việt Nam mở rộng ra thị trường Hoa Kỳ các sản phẩm Việt Nam

Thị trường Mỹ là một thị trường lớn. Dựa trên các bằng chứng lịch sử,để mở rộng phạm vi hoạt động kinh tế có hiệu quả, quốc gia phải khuyến khích các công ty của mình đi ra nước ngoài. Bằng chứng rõ ràng nhất là câu chuyện thành công của Samsung, một công ty đã xuất khẩu hơn 20% sản phẩm của Hàn Quốc ra thế giới. Trong các năm 1960 – 1970, chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ Samsung mở rộng thị trường ra thế giới bằng cách đặt văn phòng của Samsung ở châu Âu và châu Mỹ. Ngày nay, tên Samsung rất nổi tiếng

Với thành công này, chính phủ Hàn Quốc lại ủng hộ hai tập đoàn khác, đó là Hyundai và LG. Ba tập đoàn này đã cùng nhau đẩy mạnh kinh tế Hàn Quốc từ một quốc gia thu nhập trung bình để trở thành một quốc gia giàu có trong vòng chưa đầy 20 năm. Ví dụ gần đây nhất, Chinamex từ Trung Quốc cũng đã sử dụng mô hình thành công này, và gửi hơn 3.000 công ty Trung Quốc ra nước ngoài. Đặc biệt trong tháng 12 năm 2009, Chinamex đã thành lập một “Hubei Enterprises (America) Center” tại Atlanta, Georgia, USA, để cho hơn 100 công ty có nhu cầu mở rộng sản phẩm của họ đến Hoa Kỳ

Việt Nam, trong giai đoạn phát triển đât nước, cần phải nhìn ra nước ngoài để sản phẩm Việt được công nhận trên thị trường quốc tế. Một cánh cửa lớn đã mở. Doanh nghiệp Việt Nam không thể chậm trễ hơn vì chính mình, vì lợi ích đất nước !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *